Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, nhiều điểm đến trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia phát triển thường dành sự quan tâm đặc biệt cho du lịch MICE. Theo dự báo, đến năm 2025 ngành MICE toàn cầu có thể đem lại nguồn thu 1.400 tỉ USD, so với mức 800 tỉ USD của năm 2019. Hiện nay châu Âu vẫn là khu vực phát triển MICE mạnh nhất, nhưng trong tương lai thì châu Á - Thái Bình Dương có thể chiếm lĩnh thị trường này.
"Dù vậy ở Việt Nam chưa có chính sách riêng cho du lịch MICE như các nước khác đang làm, thiếu vắng các nghiên cứu thị trường hay thống kê về du lịch MICE. Với dư địa hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến MICE hàng đầu khu vực, nếu lĩnh vực này được quan tâm, đầu tư tương xứng với hiệu quả mang lại" - TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Tọa đàm "Du lịch MICE - xu hướng và cơ hội" do CLB Du lịch MICE Việt Nam (VMC) tổ chức chiều 14/9.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra nhiều thách thức mà du lịch MICE tại Việt Nam đang phải đối mặt, như thiếu đồng bộ về chính sách và chiến lược cho riêng lĩnh vực này. Cơ sở hạ tầng phục vụ MICE dù đã được đầu tư ở một số điểm đến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, ngay cả Hà Nội vẫn thiếu các trung tâm tổ chức sự kiện đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra nguồn nhân lực du lịch phục vụ MICE gặp khủng hoảng sau Covid-19, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao.
Dù vậy các doanh nghiệp và chuyên gia tin rằng du lịch MICE tại Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh và trở thành động lực dẫn dắt sự phục hồi của toàn ngành sau đại dịch Covid-19. Tại sự kiện MICE Expo 2023 chiều 14/9, các doanh nghiệp tổ chức đoàn MICE và nhà cung ứng dịch vụ trên cả nước đã kết nối và hợp tác kinh doanh, cùng tìm ra tiếng nói chung để thúc đẩy du lịch MICE tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp kết nối hợp tác nhằm thúc đẩy du lịch MICE trên cả nước.
Ông Đỗ Văn Thức - Phó Giám đốc Đất Việt Tour cho biết trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu du lịch MICE ngày càng tăng cao, mỗi năm các công ty tổ chức nhiều sự kiện phát động kinh doanh hay hội nghị, khen thưởng. Thực chất hiện nay hoạt động MICE đã len lỏi vào rất nhiều sản phẩm du lịch. Các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên đi du lịch luôn gắn với các hoạt động MICE, trò chơi tập thể (team-building) để thắt chặt sự đoàn kết, động viên, khen thưởng và truyền tải văn hóa doanh nghiệp.
"Cơ sở hạ tầng phục vụ MICE của Việt Nam rất tốt, hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, như Bali hay Bangkok... Dịch vụ ở Việt Nam tương đương với họ nhưng mức giá dễ chịu hơn, nhiều địa điểm ở Việt Nam còn to, đẹp, hiện đại hơn. Du lịch MICE sẽ ngày càng phát triển, bởi đối với các tập thể, đơn vị thì loại hình du lịch tham quan truyền thống đã bão hòa. Đơn cử như Đất Việt Tour tổ chức khoảng 2.000 đoàn lớn nhỏ mỗi năm thì các hoạt động MICE thường chiếm 30% chi phí của các tour này", ông Đỗ Văn Thức cho biết.
Đồng quan điểm, bà Lê Hạnh - Giám đốc văn phòng Lữ hành Vietluxtour Hà Nội cho biết: "Dù kinh tế khó khăn nhưng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn dành kinh phí hàng năm cho hoạt động MICE vì đó là một phần của kinh doanh, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp chứ không chỉ đơn giản là đi chơi, nghỉ dưỡng. Các hoạt động MICE không chỉ đóng góp cho mỗi cá nhân hay cả doanh nghiệp mà nhiều đơn vị đã hướng đến tạo giá trị cho điểm đến và cộng đồng địa phương".
Hiện nay sự phát triển của công nghệ cũng góp phần "tiếp sức" cho du lịch MICE, giúp dễ dàng tổ chức các đoàn khách hoặc sự kiện lớn, thậm chí cá nhân hóa trải nghiệm tới từng thành viên.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam cho biết với du lịch MICE hiện nay thì công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. "Trong du lịch MICE, làm chủ được công nghệ là giải quyết được bài toán về xu hướng, thị trường…, tạo thuận lợi cho việc tổ chức team building, sự kiện ca nhạc hay thể thao, đặc biệt là các giải chạy. Du lịch MICE cũng thay đổi liên tục theo nhu cầu thị trường, vì vậy những doanh nghiệp làm MICE sẽ thích ứng kịp thời hơn với sự trợ giúp của công nghệ".
Hải Nam/VOV.VN
Một số hình ảnh từ Seesound
Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 29, chiều 6-10, tại Busan (Hàn Quốc), Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Ninh Bình, Phú Yên tổ chức Hội thảo giới thiệu Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng và môi trường làm phim ở một số địa phương Việt Nam.
Xem ThêmChiều 1-10, Quận uỷ Liên chiểu tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” và triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030. Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Huy đồng chủ trì hội nghị.
Xem Thêm
Nằm trong chuỗi các sự kiện quảng bá điện ảnh Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan, tối 6-10, tại Busan (Hàn Quốc), Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam cùng một số địa phương liên quan tổ chức Chương trình Đêm Việt Nam với chủ đề về Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng. Chương trình là cuộc gặp gỡ giao lưu giữa phía Việt Nam và các bên tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan.
Xem Thêm