Làng nghề làm nước mắm Nam Ô đang được duy trì và phát triển ở phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc. Hầu hết các hộ sản xuất nước mắm tại phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc đều đã tham gia Hội làng nghề nước mắm Nam Ô.
Tính đến tháng 1-2024, Hội làng nghề nước mắm Nam Ô có 69 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã (Hợp tác xã mắm nhĩ Bình Minh, Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Hiệp I, Hợp tác xã Ô Long), với 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ.
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” và triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030
Sản lượng nước mắm tiêu thụ hàng năm đạt từ 200 – 300 nghìn lít, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như: mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25-30 tấn/năm, với tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 220 lao động.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”, đến nay, đã có 3 chủ thể của làng nghề đăng ký tham gia chương trình OCOP cấp thành phố, trong đó có 2 chủ thể đạt 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Đà Nẵng, gồm Hợp tác xã mắm Bình Minh, Công ty TNHH mắm Hồng Hương (nay là Hộ kinh doanh Hương Làng Cổ); và 1 chủ thể đạt 3 sao là mắm Hiệp Hải.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm của làng nghề, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã ký hợp đồng với Trung tâm Công nghệ sinh học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nước mắm Nam Ô”, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đề tài đang triển khai nội dung đánh giá chất lượng của nước mắm Nam Ô qua so sánh với sản phẩm trên thị trường và kết quả phân tích định tính, định lượng; nghiên cứu nâng cao chất lượng nước mắm Nam Ô nguyên chất qua chuẩn hóa công nghệ truyền thống.
Hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn cho sản phẩm nước mắm Nam Ô, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng với Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn cho nước mắm Nam Ô”, với mục tiêu nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nước mắm an toàn cho nước mắm Nam Ô nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy phát triển Làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng.
Với việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô”, sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng ngày càng khẳng định thương hiệu, giúp bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ nhằm tăng giá bán, tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề ngày càng phát triển, sản lượng hằng năm đều tăng; một số cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư chế biến mắm để chủ động nguồn hàng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, so với khi mới thành lập, Hội làng nghề nước mắm Nam Ô đã giảm gần 71 hộ hộ sản xuất; nguyên nhân do ảnh hưởng của quy hoạch, giải tỏa dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô và một số nguyên nhân khác.
Để góp phần bảo tồn và phát triển nghề làm nước mắm Nam Ô, trên cơ sở Đề án, các sở, ngành đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ cho làng nghề, cụ thể như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất nước mắm tại làng nghề về đầu tư dụng cụ, bao bì, nhãn mác; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, đạt chứng nhận HACCP; tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố hỗ trợ địa phương trong công tác giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sản xuất và phát triển làng nghề. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm nước mắm Nam Ô tham gia Chương trình OCOP, với tổng kinh phí 130 triệu đồng.
Sản phẩm nước mắm Nam Ô ngày càng có chỗ đứng trên thị trường
UBND quận Liên Chiểu đã xây dựng đội tàu 6 chiếc có công suất từ 20-145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho bà con làng nghề sản xuất nước mắm; tổ chức tập huấn cho hội viên Hội làng nghề nước mắm Nam Ô về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử.
Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề cũng được các đơn vị, địa phương thực hiện thông qua việc từng bước triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị khu vực làng nghề. Theo đó, UBND quận Liên Chiểu đã trình thẩm định Quy hoạch chi tiết TL 1/500 công trình Công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và Quảng trường phía Nam ghềnh Nam Ô; Quy hoạch chi tiết TL 1/500 Bãi tắm, bãi tập kết thuyền thúng của người dân và dự án du lịch cộng đồng Nam Ô.
Đồng thời, thực hiện công bố quy hoạch Dự án Tuyến kè chống sạt lở khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô; công bố công khai nội dung liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng Khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Ngoài ra, UBND quận đã xây dựng sơ đồ hướng dẫn hệ thống giao thông trong làng nghề, các vị trí di tích lịch sử, văn hóa, chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất của làng nghề. Tiến hành cấp giấy chứng nhận biển số nhà cho toàn bộ khu dân cư để đảm bảo công tác liên lạc của hộ dân làng nghề; đầu tư và cải tạo hệ thống mương thoát nước, đường bê tông, điện chiếu sáng tại khu dân cư Nam Ô theo kế hoạch hằng năm; triển khai thực hiện công tác khơi thông cống rãnh, nạo vét mương thoát nước nhằm giải quyết vấn đề ngập úng tại khu dân cư đạt hiệu quả.
Cùng với đó, Sở Du lịch đã tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có làng nghề nước mắm Nam Ô; kết nối các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch học đường, hoạt động trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn quận. Đến nay, đã hình thành các Chương trình du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa địa phương, làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với các điểm di tích văn hóa – lịch sử địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tế triển khai Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” các năm qua cho thấy, mặc dù các chương trình, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị có rất nhiều nội dung, tuy nhiên các đơn vị sản xuất nước mắm tại Làng nghề tham gia còn khá hạn chế.
Do đó, để phát huy được hiệu quả của chính sách đến với các đơn vị sản xuất đòi hỏi các đơn vị cần chủ động hơn trong tham gia các chương trình, chú trọng thay đổi công nghệ, thiết bị sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì nhãn mác, đa dạng mẫu mã, sản phẩm để kích thích, thu hút khách hàng mua sản phẩm. Các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm Nam Ô cần có sự liên kết, hợp tác để xây dựng thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn để phục vụ du khách.
Hiện tại cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại khu vực làng nghề nước mắm Nam Ô còn hạn chế, chưa thuận tiện cho việc kết nối, khai thác hoạt động du lịch. Thiếu đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn về văn hóa bản địa, văn hóa làng nghề để phục vụ du khách; sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch chưa nhiều, ít sản phẩm đặc sắc; các sản phẩm khác thuộc Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, tuyến du lịch đường thủy chưa hình thành để kết hợp với các di tích hình thành tour, tuyến phù hợp, dẫn đến việc khai thác du lịch tại làng nghề chưa đạt kết quả.
Giai đoạn tiếp theo của Đề án, Bí thư Quận uỷ Liên Chiểu đề nghị UBND quận tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình, phân công rõ nhiệm vụ của từng đơn vị với mốc thời gian và kinh phí cụ thể, nhằm tập trung phát triển, mở rộng quy mô làng nghề theo hướng phát triển ổn định, bền vững làng nghề, đảm bảo mục tiêu vừa phát triển làng nghề vừa đảm bảo đời sống của bà con làng nghề.
“Cần phát triển làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm theo hướng vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, hộ sản xuất nước mắm Nam Ô tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề”, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ, cơ sở đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng năng suất; duy trì đội tàu đánh bắt cá phục vụ nguồn nguyên liệu cho làng nghề. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng bằng nhiều kênh khác nhau như phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô, tham gia các hội chợ tại địa phương và các tỉnh, thành.
UBND quận Liên Chiểu tặng Giấy khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn quận trong công tác quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng; Sở Du lịch đẩy mạnh tiến độ hình thành điểm du lịch, mô hình du lịch homestay để thu hút du khách đến tham quan, du lịch gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô.
“Đề nghị UBND quận phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các khóa đào tạo, giúp đỡ người dân làng nghề trong quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng hơn; hỗ trợ các cơ sở, hộ sản xuất trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các chính sách của nhà nước để phát triển, kinh doanh. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển làng nghề, đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề phù hợp với năng lực, khả năng của người dân làng nghề, đảm bảo thu nhập và mang tính bền vững”, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc phát biểu.
Dịp này, UBND quận Liên Chiểu tặng Giấy khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”.
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG: DANANG.GOV.VN
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng, một hồn thơ âm nhạc đã in dấu sâu đậm vào tâm khảm người Việt. Các tác phẩm của ông, như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, đã vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước và con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử. Mỗi giai điệu, mỗi ca từ đều chứa đựng một phần tâm hồn của ông, một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương, đất nước và con người.
Xem ThêmKhông gian Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng trưng bày 38 hiện vật và 113 tư liệu: là những tác phẩm tranh, tượng, thảm, sách, tư liệu, dụng cụ tạo tác …. bằng nhiều chất liệu khác nhau với chủ đề, nội dung
Xem Thêm
Sáng 02-11 tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên và giới thiệu Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ III, năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự buổi lễ.
Xem Thêm