Lễ Cầu Ngư Lăng Ông: Lưu Giữ Giá Trị Của Truyền Thống Văn Hóa, Tâm Linh Cộng Đồng Dân Cư Vùng Biển

Hằng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, Vạn Chài Tân Trà (trước là Tân Lưu), phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Lễ cúng cầu ngư Ngọc Lân Ông, Vạn Chài Tân Trà. Đây là nghi thức văn hóa tâm linh đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (Thần linh Nam Hải).

Tín ngưỡng thờ cá Ông của người dân Tân Trà

Lễ cầu ngư Lăng Ông-Tân Trà (Tân Lưu) Hoà Hải được tổ chức vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hằng năm tại Lăng Ngọc Lân Ông tại bãi tắm Tân Trà với các hoạt động chính như Lễ cáo Thần Hoàng, Lễ tế Cầu ngư với lòng thành cẩn cáo nghinh tế Ngư thần, cầu xin Thần linh Nam Hải ban cho một năm “Trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “Tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”. Đồng thời tưởng nhớ tri ân các bậc tiền nhân khai sáng vùng đất Tân Trà-Hoà Hải-Ngũ Hành Sơn.

Ông Trần Việt Linh-Trưởng Vạn chài Tân Trà kể: Ở làng Tân Trà, những người dân làm nghề đánh cá trên biển còn lưu truyền rằng: Theo ông bà kể lại thì ngày xưa, làng biển này nghèo lắm, người đi biển thường dùng tre, nứa ghép thành mành để đánh bắt cá. Nhiều gia đình gượng sức lắm cũng chỉ làm được những chiếc ghe nhỏ để ra khơi. Vì vậy, vào mỗi mùa mưa bão, các tai nạn chìm thuyền, người rơi xuống biển do sóng to, gió lớn thường xuyên xảy ra, nếu ai may mắn sẽ được cá voi đội lên khỏi mặt nước rồi đẩy cả người và ghe vào bờ, vì thế sẽ được thoát nạn. Từ đó, người dân làng biển Tân Trà mang ơn loài cá này.

“Ngoài dịp lễ lớn như lễ Cầu ngư thì vào những ngày Tết, ngày sóc, ngày vọng, nhân dân trong lòng đến thắp hương, bái lễ. Đặc biệt vào Tết Nguyên đán, dân làng tổ chức làm lễ dựng nêu tại lăng Ông (ngày 26 tháng 12 âm lịch và làm lễ hạ nêu vào ngày 6 tháng 1 âm lịch). Nhưng sau năm 1975 đến nay, do nhiều nguyên nhân, kể cả quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn như hiện nay, người dân làng Tân Trà phải di dời vào khu tái định cư mới (ở khối Đông Hải), vì thế nghề chài lưới chỉ tồn tại ở một số gia đình, họ cũng chỉ đánh bắt gần bờ nên việc tổ chức cúng lễ không làm lớn như trước mà chỉ tổ chức cúng ở lăng Ông trong một ngày là ngày 6 tháng 2 âm lịch. Lễ cúng cũng đơn giản hơn gồm hương đèn, vàng bạc, áo giấy, hoa quả và thịt heo, gà,…không nhộn nhịp như trước nữa.”, ông Trần Việt Linh nói.

Nói về cá Ông, ông Phạm Văn Dương, một ngư dân ở làng Tân Trà kể rằng, vào năm nào đó mà bây giờ ông không còn nhớ chính xác, có một con cá Ông trôi vào bờ trước lăng, nhưng Ông vẫn sống chứ chưa luỵ. Xung quanh Ông có một đàn cá khác nhỏ hơn đang dìu Ông vào, nhưng người dân trong làng thấy Ông còn sống bèn đẩy Ông ra lại biển. Nhưng khi đưa Ông ra thì đàn cá nhỏ đó lại đưa Ông quay vào bờ. Người dân Tân Trà cứ đẩy ra, đẩy vô như thế thì đến lần thứ ba đàn cá nhỏ lại đưa Ông đi nơi khác.

Kể từ đó, người dân Tân Trà suốt ba năm liền làm nghề biển cứ thua lỗ mãi. Các cụ cao niên trong làng bèn đi xem bói về bảo rằng, Ông muốn yên nghỉ ở làng nhưng làng mình không chịu nên Ông phải đi nơi khác, do đó người dân làm ăn không được. Trước năm 1975, thường cứ khoảng 5 đến 10 năm là có Ông luỵ dạt vào vùng biển Tân Trà một lần. Từ đó đến nay, không thấy Ông luỵ dạt vào bờ nữa.

Ông Trần Văn Ba, người sưu tầm và lưu giữ những tư liệu về Lăng Ông-Tân Trà chia sẻ: Với người dân Tân Trà (Tân Lưu) Hoà Hải, Lễ cầu Ngư Lăng Ông mang ý nghĩa không chỉ là lễ hội cầu mùa-cầu ngư mà đặc biệt là nơi tưởng nhớ và ghi dấu với những chiến công hiển hách của vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tại bến Làng chài Vạn Tân Lưu, đội dân quân du kích xóm chài Hoà Hải đã bắt sống 5 chuyên viên Mỹ đi trong chiếc xe 4X4 từ bãi biển Mỹ Khê chạy xuống. (Tư liệu được lấy từ Cục lưu trữ Trung ương Cục II thành phố Hồ Chí Minh). Xóm Làng chài diện tích khoảng 1 cây số có 71 hộ, trong đó có 103 liệt sỹ, 32 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 6 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 anh hùng lao động. Từ năm 1967-1975, tại Lăng Ông đào hầm công sự, cất giấu vũ khí để trang bị cho dân quân du kích, sẵn sàng chiến đấu. Nơi đây làm phòng tuyến từ ven biển đến đường Nguyễn Duy Trinh, đào thông hào chông tre, mìn để đánh địch (1966-1970).

Lăng Ông Tân Trà

Theo hồi ức của những bậc cao niên trong làng thì Lăng Ông Tân Trà được xây dựng cách đây gần ba trăm năm, từ khi những bậc tiền hiền trong làng đến nơi này khai hoang lập nghiệp, sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản trên những khúc sông vắng hay trên biển thì đã dựng nên lăng thời này.

Lăng Ông nằm trong quần thể kiến trúc gồm ba di tích: lăng Ông, miếu xóm và lăng Âm linh. Nhưng trải qua nhiều năm tháng, thiên tai, chiến tranh tàn phá, cộng với quá trình đô thị hoá nên người dân địa phương phải di dời đến khu tái định cư mới, vì thế lăng Ông Tân Trà cũng bị hư hại nhiều. Trong quần thể kiến trúc này, chỉ còn lại lăng Ông tương đối nguyên vẹn, mang dấu ấn cổ xưa, còn miếu xóm và lăng Âm linh thờ những người chết trôi dạt trên biển thì đã đổ nát chỉ còn những mảng tường trơ trọi. Năm 2012, miếu xóm và lăng Âm linh được xây mới lại. Đến tháng 5 (âm lịch) năm 2013, dân làng Tân Trà đã tiến hành trùng tu lại lăng Ông.

Trước lăng là bức bình phong hình cuốn thư được xây dựng bằng gạch và xi-măng. Mặt trước của bình phong không trang trí, mặt sau có bàn thờ lộ thiên và được trang trí các đồ án như: lưỡng long tranh châu, quả lựu, hình hoa lá. Các đồ án này được vẽ bằng sơn màu.

Lăng Ông được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ, mái cuốn vòm có ba gian, mặt quay về hướng đông (quay ra biển). Bốn bức tường bao quanh lăng xây dựng bằng gạch và xi-măng, mái lợp ngói âm dương, vẫn còn giữ được hệ thống kết cấu gỗ. Trên bờ nóc trang trí đồ án lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh (long, ly, quy, phượng) tạo nên tính thâm nghiêm cổ kính của lăng.

Ngày xưa, mỗi lần cá Ông luỵ trôi vào biển Tân Trà, hễ dân trong làng ai là người trông thấy đầu tiên thì người đó sẽ làm trưởng nam, được bịt khăn tang, lo lễ tang cá Ông và người đó phải trai tịnh suốt trong 24 tháng. Ngày táng cá Ông, cả làng rước bạn chèo về làm lễ chôn cất, kể từ đó họ tin là đi biển sẽ được an toàn và luôn gặp nhiều may mắn khi đánh bắt cá. Sau khi cá Ông được chôn cất khoảng 3 năm thì người dân mới làm lễ mãn tang, hốt cốt Ông đưa vào lăng thờ.

Theo ông Trần Văn Ba, người sưu tầm và lưu giữ những tư liệu về Lăng Ông-Tân Trà cho biết: Hiện tại Lăng Ông đang lưu giữ các bộ hài cốt cá Ông từ 20 năm, 70 năm, 100 năm và 150 năm. Với các giá trị tín ngưỡng quý giá như vậy và tâm nguyện được tiếp tục lưu giữ truyền lại cho muôn đời sau, Ban Quản lý Lăng Ngọc Lân Ông-Anh Linh đã hoàn thiện các tư liệu, hình ảnh và tờ trình đề nghị Lăng Ông-Tân Trà là di tích lịch sử văn hoá phi vật thể cấp thành phố.

Lễ hội cầu ngư Lăng Ông – Tân Trà đang được nỗ lực duy trì. Lễ hội không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân địa phương, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.

Theo danang.gov.vn

Tin Tức Tương Tự

16/11/2024

Trên chặng đường dài hình thành và phát triển, thành phố Đà Nẵng – mảnh đất nơi “đầu sóng ngọn gió” của xứ Đàng Trong, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử đã vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của Miền Trung – Tây Nguyên. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày. Thế nhưng, giữa lòng thành phố “hiện đại” vẫn hiện hữu những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại, ẩn chứa bao câu chuyện văn hoá – lịch sử của thành phố và góp phần làm nên “phần hồn đô thị” cho Đà Nẵng.

Xem Thêm
13/11/2024

Từ ngày 14-12-2024 đến 2-1-2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ hội Giáng sinh – Chào năm mới Đà Nẵng 2025 (Danang X’mas – New Year Festival 2025) tại 3 địa điểm chính: Sàn cảnh quan phía Bắc, bờ đông cầu Rồng và Công viên bờ Đông cầu Rồng (khu đất đường Trần Hưng Đạo – Lý Nam Đế); Sàn cảnh quan phía Bắc, bờ Tây cầu Rồng (Đối diện VTV8); Sàn cảnh quan phía Nam, bờ Tây cầu Rồng (Đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Xem Thêm
07/11/2024

Sáng 02-11 tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên và giới thiệu Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ III, năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự buổi lễ.

Xem Thêm