Vùng đất Túy Loan trước đây là nơi phát triển sầm uất, nổi tiếng trù phú, cảnh trên chợ dưới sông tấp nập. Chợ Tuý Loan là trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, lâm sản từ miền Tây xuống, chiếu, nón, nong rổ Cẩm Nê về…
Đặc biệt, đặc sản ẩm thực của vùng quê này là bánh tráng và mỳ Quảng, trở thành thứ quà ngon nổi tiếng và được người dân khắp vùng xứ Quảng lưu truyền qua câu ca “Túy Loan trăm thứ đều ngon/vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”.
Bánh tráng Túy Loan nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của gạo, mè, gừng, tỏi, mắm, muối, đường… Khi ăn, sẽ cảm nhận được độ giòn tan rôm rốp của chiếc bánh tráng được nướng trên bếp than hồng. Mùi thơm, vị cay nhẹ của gừng tươi, tỏi và mè trắng, có vị ngọt dịu, mằn mặn của đường, nước mắm rất kích thích vị giác.
Bánh tráng Túy Loan nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của gạo, mè, gừng, tỏi, mắm, muối, đường…
Các bậc cao niên, các nghệ nhân lớn tuổi trong làng đều nói rằng, nghề tráng bánh tráng ở Túy Loan có từ lâu đời và không biết cụ thể có từ bao giờ. Khi họ lớn lên đã thấy cha mẹ, ông bà mình làm nghề này, thấy cha mẹ làm cũng phụ làm theo, làm miết rồi thành thạo và làm đến bây giờ.
Cũng theo họ, nghề làm bánh tráng Túy Loan đã có và nổi tiếng từ trước những năm 1975, hầu như nhà nào trong làng cũng có lò tráng bánh trong nhà, ai cũng biết tráng bánh để ăn, bán, làm quà biếu và dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên vào ngày giỗ kỵ, ngày Tết cổ truyền, lễ hội truyền thống. Trong năm, làm nhiều nhất là vào những dịp cận Tết, mọi người trong làng cùng nhau đỏ lửa làm ra những mẻ bánh tráng để phục vụ bà con khắp vùng.
Hiện nay, vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi chép hoặc chứng cứ xác thực về sự ra đời của nghề làm bánh tráng Túy Loan. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, có thể bánh tráng là loại thực phẩm gắn liền với lưu dân trong quá trình mở đất, khai hoang lập làng, lập xóm. Vì thế, nghề làm bánh tráng Túy Loan nhiều khả năng xuất hiện từ khi những người Việt tiến vào khai phá vùng đất hoang sơ này và họ đã mang theo cả văn hóa ẩm thực của mình vào đây.
Một giả thiết khác đặt ra, có thể khi những người Việt tiến vào khai phá miền đất này, để thích nghi và tồn tại với hoàn cảnh, môi trường sống nơi đây, họ phải khai hoang vỡ hóa, canh tác, sản xuất nông nghiệp, lúa gạo. Từ sản xuất nông nghiệp, sử dụng lúa gạo làm nguồn lương thực chính, người xưa đã chế biến ra nhiều loại bánh từ bột gạo. Trong những loại bánh đó, đơn giản và tiện dụng nhất là bánh tráng.
Trong trí nhớ của bà Đặng Thị Túy Phong (84 tuổi, trú thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), nghề làm bánh tráng tại địa phương có từ lâu, trước những năm 1975 đã có rồi. Bánh tráng nơi đây làm thủ công, có hương vị riêng, vì thế đã nổi tiếng khắp vùng xứ Quảng ai cũng biết. Trước đây, gia đình bà không làm nghề này, khi lớn lên tầm 13-14 tuổi bà thấy trong làng nhiều người tráng bánh tráng, bà đã đi phụ các gia đình trong làng làm các công đoạn của nghề này, làm lâu dần quen việc và khi có gia đình bà tự đắp lò làm bánh tráng để kiếm sống và nuôi chồng con.
“Tôi đã theo và gắn bó với nghề này đến nay khoảng 50 năm, nay tuổi cao sức yếu nên truyền nghề lại cho con gái. Hiện con gái tôi đang nối nghiệp thực hành nghề làm bánh tráng truyền thống này với thương hiệu mang tên của bà: Bánh tráng bà Túy Phong”, bà Phong nói.
Trong trí nhớ của bà Đặng Thị Túy Phong (84 tuổi, trú thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), nghề làm bánh tráng tại địa phương có từ lâu, trước những năm 1975 đã có rồi
Còn theo bà Trần Thị Luyện, (70 tuổi, trú tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong): “Nghề này có từ lâu, gia đình bà đã ba, bốn đời theo nghề làm bánh tráng, bà là đời thứ tư. Bà học nghề từ mẹ, từ nhỏ cũng phụ cha mẹ tráng bánh, sau khi mẹ bà mất bà kế nghiệp đến nay hơn 60 năm”.
Ông Đặng Công Bê (68 tuổi, trú tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) cũng không rõ nghề này hình thành từ bao giờ, qua bao thế hệ mà chỉ biết rằng đến nay nghề này tồn tại cùng làng Túy Loan từ trước đến nay.
“Tôi theo nghề này được gần 50 năm và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nghề này cực lắm, nhưng theo nghề đã lâu nên làm. Cứ đến đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, các lò bánh trong thôn liên tục đỏ lửa làm bánh, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán”, ông Bê kể.
Nghề làm bánh tráng Túy Loan được coi là nghề làm lúc nông nhàn, làm thêm để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, vừa kiếm thêm thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, điều đặc biệt của nghề truyền thống này ở chỗ từ khi nghề hình thành và tồn tại đến nay đã gắn liền với văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương nơi đây. Sản phẩm của nghề không những là thực phẩm ẩm thực trong mỗi bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình, mà còn trở thành lễ vật dâng cúng không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên, ông bà và các vị tiền nhân vào những dịp giỗ kỵ, Tết cổ truyền, lễ hội đình làng và lễ đầy tháng của các cháu nhỏ… Chính vì vậy, bao đời nay các thế hệ người dân Túy Loan sinh ra và lớn lên đã nối nghiệp nhau gìn giữ và phát triển nghề làm bánh tráng cho đến tận bây giờ.
Hiện, thế hệ kế cận đang thực hành nghề làm bánh tráng truyền thống mà ông bà đi trước để lại đều lớn tuổi (từ 50 đến 60 tuổi), họ học nghề từ ông bà, cha mẹ, người thân của mình. Có nhiều gia đình gắn bó với nghề làm bánh tráng những ba, bốn đời và đến đời họ cũng đang thực hành nghề, có thâm niên từ 10 đến 50 năm.
Có những người, tuổi thơ đã gắn bó với nghề, phụ giúp gia đình tráng bánh tráng từ hồi nhỏ, lớn lên cứ thế theo nghề truyền nối của gia đình mà giữ nghề. Cũng có những người được sinh ra và lớn lên tại vùng quê Túy Loan, được xem tráng bánh tráng, ăn miết rồi cũng nghiền, kí ức về những chiếc bánh tráng đã in sâu vào tuổi thơ của họ, là niềm tự hào và một phần ký ức của quê hương.
Ngoài ra, sản phẩm của nghề còn mang một giá trị tinh thần rất ý nghĩa, đó là trở thành một đặc sản ẩm thực, món quà quê dân dã biếu tặng người thân, bạn bè bốn phương vào dịp lễ, Tết, hay những dịp khách du lịch khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng nhiều người cũng đã chọn mua bánh tráng về làm quà biếu bạn bè, người thân của họ. Cũng có những người con sống xa quê hương, muốn thưởng thức chút hương vị quê nhà, nên những chiếc bánh tráng được đóng gói cẩn thận theo chân du khách, người thân đi khắp trong nước và nước ngoài.
Vì vậy, những chiếc bánh tráng không còn đơn giản là bánh mà còn là niềm tự hào, một phần văn hóa không thể thiếu với mỗi người dân Đà Nẵng. Cho nên, bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ nghề làm bánh tráng không chỉ vì mưu sinh mà họ còn muốn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại như giữ nét văn hóa của địa phương.
Nghề làm bánh tráng ra đời, phát triển và thương hiệu bánh tráng Túy Loan nổi tiếng bao đời đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương nơi đây. Đặc biệt, ngày nay sản phẩm bánh tráng của nghề truyền thống này đóng vai trò quan trọng, gắn với văn hóa truyền thống và hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh tế, xã hội của người dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Bánh tráng Túy Loan chủ yếu làm bằng bột gạo và các nguyên liệu khác như mè trắng, gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối…, tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho bánh tráng. Những nguyên liệu này đều có sẵn ở địa phương. Trước khi tráng bánh, nguyên liệu phải được chuẩn bị tỉ mẩn, công phu, sạch sẽ. Mè phải sử dụng mè trắng, ngâm, tách vỏ, rửa sạch qua nước, để ráo. Gừng, tỏi còn tươi, bóc vỏ và xay nhuyễn. Các gia vị nước mắm, muối, đường… chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước.
Tại lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào ngày mùng 9, 10/1 âm lịch hàng năm có tổ chức thi tráng bánh tráng và nướng bánh tráng giữa các thôn với nhau
Bánh tráng là lương thực, một thứ lương thực lưu trữ được lâu dài, khi cần ăn, không mất công chế biến và dùng lúc nào, dùng với món ăn nào cũng được. Vì vậy, người dân Đà Nẵng có thể ăn bánh tráng bất cứ thời điểm nào trong ngày. Buổi sáng, ăn bánh tráng điểm tâm. Nửa buổi, bụng lưng lửng, nướng vài cái bánh tráng ăn. Buổi trưa, có thể ăn bánh tráng thay cơm. Buổi xế, hơi đói, ăn bánh tráng. Buổi tối về khuya, bụng đói, có bánh tráng sẵn trong nhà cũng ăn.
Ăn chơi, ăn cho thơm miệng, ăn cho đỡ buồn. Ăn trong tiệc tùng chiêu đãi khách, ăn khi đi đường xa, đi du ngoạn đem theo trong túi xách một vài cái bánh tráng dùng khi đỡ đói hay dùng khi đến nơi nghỉ… Trong những ngày Tết, bánh tráng cần thiết hơn những ngày thường. Ăn bánh tráng cho đỡ ớn dầu mỡ, ăn món mà không phải chế biến gì, chỉ cần cầm lên miệng và ăn. Ăn rau, thịt, giò heo, đậu măng hầm, nem, dưa hành …cũng cần có miếng bánh tráng ăn kèm.
Bánh tráng còn là món khai vị trong các bữa cỗ. Trước khi ăn các món ăn khác trong cỗ, người dự cỗ bao giờ cũng bẻ bánh tráng nướng ăn trước. Bánh tráng nướng bẻ nhỏ bỏ vào miệng nhai rôm rốp như mở đầu cho bữa cỗ, như một món khai vị. Thiếu bánh tráng trong các bữa cỗ, làm cho bữa cỗ trở thành nhạt nhẽo. Có người còn cho rằng, tiếng rôm rốp giòn tan của bánh tráng như tín hiệu của sự hỉ hả, vui thích của thực khách trong bữa tiệc. Bánh tráng trong các bữa tiệc cũng giúp ta nhâm nhi khi chờ thức ăn, hay khi đã ăn no, giúp ta giữ lễ trong việc ăn uống.
Trong văn hóa ẩm thực của người dân Đà Nẵng, bánh tráng Túy Loan còn là nguyên liệu quan trọng ăn chung với mỳ Quảng, khi ăn mỳ Quảng mà thiếu bánh tráng nướng thì mất ngon
Bánh tráng còn ăn kèm được với các món ăn khác trong mâm, tất cả các món từ thịt, cá, rau, kho, xào, hấp, chiên. Bánh tráng nướng còn ăn kèm với các nón cháo (bóp nhỏ bánh, bỏ vào). Bánh tráng dùng xúc các món ăn thay muỗng như xúc các loại gỏi, hến xào ăn với bánh tráng. Ăn với các loại tiết canh, bẻ nhỏ bánh, bóp vụ bỏ vào tạo hương vị thơm, giòn. Rưới lên bánh tráng nướng một ít nước lã cho hơi mềm, chấm với nước mắm… Đặc biệt, trong văn hóa ẩm thực của người dân Đà Nẵng, bánh tráng Túy Loan còn là nguyên liệu quan trọng ăn chung với mỳ Quảng – cũng là một đặc sản nổi tiếng của địa phương. Khi ăn mỳ Quảng mà thiếu bánh tráng nướng thì mất ngon.
Người dân tâm niệm rằng, bánh tráng là hạt ngọc của trời nhưng không phải là ngọc bình thường mà là tinh ngọc được làm ra từ những hạt gạo trắng tinh. Bởi vậy, vị trí đặt bánh tráng trên những mâm cỗ cũng phải được đặt ở trên tất cả các lễ vật. Và như đã thành tập tục truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, dù người giàu kẻ nghèo, dù mâm cao cỗ đầy hay đơn giản chỉ có vài món, cũng phải có vài ba cái bánh tráng nướng. Nếu thiếu, như thiếu cả lòng thành với người đã khuất. Bánh tráng có trên mâm cỗ cúng, theo quan niệm dân gian cho rằng bánh tráng với hình dáng tròn, màu trắng là biểu tượng của dương – thiên đối xứng với âm – địa là những món cúng khác.
Đặc biệt, tại lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào ngày mùng 9, 10/1 âm lịch hàng năm, bánh tráng Túy Loan là sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trên mâm cúng các vị tiền nhân, với ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã khai hoang lập làng, hình thành nên các nghề truyền thống đem lại sinh kế cho nhân dân, trong đó có nghề làm bánh tráng. Trong phần hội còn tổ chức các cuộc thi tráng bánh tráng và nướng bánh tráng giữa các thôn với nhau. Đây là hoạt động vừa để cho các nghệ nhân tráng bánh tráng trình diễn tay nghề của mình, vừa góp phần tôn vinh, gìn giữ một nghề truyền thống lâu đời của cha ông truyền lại.
Ngoài ra, tại các nghi lễ cúng tế ở lễ hội đình làng của địa phương như đình Túy Loan, đình Bồ Bản… người dân cũng dâng cúng bánh tráng lên mâm cúng các vị tiền hiền, hậu hiền, các vị thần thành hoàng làng để tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công trong việc mở cõi, khai canh, lập làng tại vùng đất này.
Hiện nay, nghề thủ công truyền thống làm bánh tráng Túy Loan vẫn được các nghệ nhân, các bậc cao niên và thế hệ trẻ gìn giữ, kế tục và trao truyền qua nhiều thế hệ
Hay trong lễ cúng đầy tháng của các cháu nhỏ không thể thiếu chiếc bánh tráng. Hiện nay, một số người dân địa phương vẫn còn duy trì tục lệ cúng bánh tráng nướng lên mâm cúng bà Mụ. Lễ cúng bà Mụ trong lễ đầy tháng có nhiều thủ tục, ở phần cúng khai hoa (hay còn gọi là “bắt miếng”) cháu bé được bế lên và đặt trên chồng bánh tráng đã nướng chín gồm 12 cái, người bế cháu bé cố tình đặt sao cho chồng bánh tráng bị bể (vỡ) phát ra tiếng kêu “cái rộp” với ý nghĩa “mới tròn tháng cân nặng đã đủ để làm bể cả chồng bánh tráng”. Qua đó cầu mong cho em bé được khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn.
Bánh tráng là sản phẩm vật chất của nghề truyền thống này tạo ra, nó vừa là sản phẩm ẩm thực hiện hữu trong bữa ăn hàng ngày, trong phong tục, tập quán của người dân. Ngoài ra, vừa trở thành đặc sản quà tặng/biếu người thân, bạn bè bốn phương vào những dịp lễ, Tết, hoặc khách du lịch khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng/làng cổ Túy Loan nhiều người cũng đã chọn mua sản phẩm bánh tráng mang về ăn hoặc làm quà tặng.
Thương hiệu bánh tráng Túy Loan đã nổi tiếng từ xưa tới nay. Tháng 2-2024, nghề thủ công truyền thống làm bánh tráng Túy Loan được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Đây có thể xem là “động lực” quan trọng góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề.
Hiện nay, nghề thủ công truyền thống này vẫn được các nghệ nhân, các bậc cao niên và thế hệ trẻ gìn giữ, kế tục và trao truyền qua nhiều thế hệ. Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu lịch sử có giá trị, phục vụ cho công tác nghiên cứu về quá trình Nam tiến mở rộng bờ cõi, khai hoang, phục hóa, sản xuất nông nghiệp và hình thành các cộng đồng dân cư trên vùng đất Hòa Vang trong tiến trình lịch sử.
Theo danang.gov.vn
Từ ngày 14-12-2024 đến 2-1-2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ hội Giáng sinh – Chào năm mới Đà Nẵng 2025 (Danang X’mas – New Year Festival 2025) tại 3 địa điểm chính: Sàn cảnh quan phía Bắc, bờ đông cầu Rồng và Công viên bờ Đông cầu Rồng (khu đất đường Trần Hưng Đạo – Lý Nam Đế); Sàn cảnh quan phía Bắc, bờ Tây cầu Rồng (Đối diện VTV8); Sàn cảnh quan phía Nam, bờ Tây cầu Rồng (Đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm).
Xem ThêmSáng 02-11 tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên và giới thiệu Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ III, năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự buổi lễ.
Xem Thêm
Trên chặng đường dài hình thành và phát triển, thành phố Đà Nẵng – mảnh đất nơi “đầu sóng ngọn gió” của xứ Đàng Trong, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử đã vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của Miền Trung – Tây Nguyên. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày. Thế nhưng, giữa lòng thành phố “hiện đại” vẫn hiện hữu những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại, ẩn chứa bao câu chuyện văn hoá – lịch sử của thành phố và góp phần làm nên “phần hồn đô thị” cho Đà Nẵng.
Xem Thêm